Sáng nay (22/4), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức Hội thảo phản biện xã hội đối với dự thảo 2 đề án của UBND tỉnh, gồm: Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, giai đoạn 2021 – 2030.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh, các sở, ngành liên quan; các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh và một số chuyên gia trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp và thông tin truyền thông.

Dự thảo Đề án Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 nêu nhiều nội dung như: thực trạng hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua; dự báo tình hình, nội dung đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian tới…

Trong đó, giai đoạn 2020 – 2025, sẽ xây dựng 25 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như: rau, lúa chất lượng cao, gạo đặc sản; khoai tây; na, hồng, quả có múi, hoa đào, thủy sản nước ngọt…

Đề án cũng nêu một số nhóm giải pháp, nêu nhiệm vụ cụ thể của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để thực hiện hiệu quả mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, giai đoạn 2021 – 2030 nêu hiện trạng, những tồn tại, hạn chế của hệ thống thông tin cơ sở; quan điểm, mục tiêu phấn đấu khắc phục trong thời gian tới.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2025: 100% UBND cấp xã có hệ thống đài truyền thanh, 80% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông; 100% xã, phường, thị trấn được thiết lập trang thông tin điện tử và có đội ngũ báo cáo viên thông tin cơ sở….; phấn đấu đến năm 2030: 100% hệ thống truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông, được cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về chính sách pháp luật của Nhà nước, các sự kiện quốc tế, trong nước, địa phương lên trang thông tin điện tử cấp xã; 100% hệ thống tủ sách pháp luật được duy trì hoạt động hiệu quả…


Đại biểu nêu ý kiến phản biện về Đề án Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất,
tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông lâm nghiệp,
giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030

Tại hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí về sự cần thiết của các đề án với thực tế hiện nay và sự phát triển của đời sống xã hội trong thời gian tới.

Các đại biểu cũng phản biện, góp ý sâu sắc, tâm huyết, cụ thể về nhiều nội dung: căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn của dự thảo các đề án; tính đúng đắn, tính khoa học và tác động của đề án đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng tại địa phương.

Trong đó, các đại biểu góp ý về mục tiêu, lộ trình, giải pháp cụ thể ở từng đề án, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện thực tế ở Lạng Sơn, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí, đảm bảo tính khả thi, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân…

Tại hội nghị, đơn vị tham mưu xây dựng dự thảo các đề án đã giải trình, giải đáp các ý kiến đại biểu nêu, đồng thời, tiếp thu để bổ sung hoàn chỉnh đề án trong thời gian tới.

HOÀNG HUẤN - Báo Lạng Sơn

STT Tên File upload

Các tin khác cùng mục

Lịch công tác


Hình ảnh