Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

 – Sáng 15/9, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc phản biện xã hội đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Hội nghị có trên 3.460 đại biểu tham dự ở các điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Nông Lương Chấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường trực, phòng, ban chuyên môn và các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh; đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn và 8 phường, xã trên địa bàn thành phố.

Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, tác động sâu sắc tới nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, có tính kế thừa và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Đất đai năm 2013. Theo dự thảo, Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 chương, 237 điều.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã báo cáo tóm tắt các ý kiến gửi đến hội nghị và định hướng các nội dung trọng tâm cần phản biện. Trên cơ sở đó, đại biểu ở các điểm cầu đã nêu 18 ý kiến, tập trung phản biện về những nội dung như: Tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục chồng chéo giữa luật với các quy định khác của pháp luật; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước các cấp và quyền chủ thể của Nhân dân, quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất; việc thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam trong dự thảo luật; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; phạm vi lấy ý kiến Nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Các đại biểu cũng góp ý về quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân; quy định về giá đất trong dự thảo; việc đảm bảo hài hòa lợi ích, khắc phục lợi dụng, thâu tóm đất đai, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…

Trong chương trình, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) đã cung cấp thêm thông tin liên quan đến nội dung được phản biện, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XV tới đây.

HOÀNG HUẤN

STT Tên File upload

Các tin khác cùng mục

Lịch công tác


Hình ảnh