Thời gian qua, công tác giám sát và phản biện xã hội được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Nếu như năm 2014 và 2015, hoạt động giám sát, phản biện tập trung vào việc thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng thì từ năm 2016 đến nay, công tác này được mở rộng sang nhiều nội dung và đi vào những phần việc rất cụ thể.

Điển hình như năm 2016, MTTQ cấp tỉnh tổ chức được 2 hội nghị phản biện về Dự án xây dựng cầu Kỳ Cùng, phản biện về Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Đầu năm 2017 đến nay tổ chức phản biện 2 dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về quy mô công trình, chiều cao tối đa và thời hạn tồn tại của công trình được cấp phép xây dựng có thời hạn; dự thảo Quyết định quy định về sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường đô thị ngoài mục đích giao thông trên địa bàn.

IMG_4328.JPG

(Đại biểu nêu ý kiến phản biện về dự thảo Quyết định quy định sử dụng tạm thời một phần hè phố,

lòng đường đô thị ngoài mục đích giao thông trên địa bàn.)

Các hội nghị diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn. Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến mang tính xây dựng, giúp các cơ quan tham mưu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản.

Ví như trong hội nghị phản biện về Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo tổ chức đầu tháng 10/2016, nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ nhà thờ dòng họ ra khỏi danh mục cơ sở tín ngưỡng được quy định trong dự thảo luật... Tại hội nghị phản biện về sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường đô thị ngoài mục đích giao thông tổ chức hồi tháng 6/2017, có ý kiến cho rằng nên thí điểm thực hiện quy định ở một số tuyến phố, từ những hiệu ứng mang lại sẽ tiếp tục triển khai…

Đi đôi với phản biện, công tác giám sát cũng đạt những kết quả tích cực. Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã giám sát được 16 cuộc; trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì, giám sát 1 cuộc; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức giám sát 5 cuộc; Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện giám sát được 10 cuộc. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện một số chính sách dân tộc đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; việc chấp hành pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp…

Bà Nông Thị Lâm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, trước hết cần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ tham gia công tác này. Theo đó, việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ luôn được MTTQ chú trọng. Đầu năm 2017 đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức được 3 hội nghị tập huấn về công tác giám sát và phản biện xã hội cho trên 360 đồng chí là cán bộ chuyên trách MTTQ cấp huyện và các đồng chí trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã. Mặt khác, phải quy tụ được những chuyên gia trên các lĩnh vực vào các để nâng cao chất lượng các cuộc giám sát, phản biện.

Cùng với đó, để đạt mục đích, yêu cầu đề ra, MTTQ họp bàn với các tổ thành viên thống nhất nội dung, thời gian, địa điểm giám sát, phản biện; nhất là lựa chọn những nội dung, lĩnh vực mà xã hội đang quan tâm. Cách làm này vừa đảm bảo giám sát, phản biện “đúng” và “trúng”, vừa đảm bảo triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhiều tầng lớp nhân dân.

Thời gian tới, MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chủ trì phản biện 4 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀNG HUẤN

STT Tên File upload

Các tin khác cùng mục

Lịch công tác


Hình ảnh