(LSO) – Những năm qua, công tác chăm lo, trợ giúp người nghèo luôn được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh và tổ chức, đoàn thể quan tâm phối hợp thực hiện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội và công tác giảm nghèo của tỉnh.

Ông Hứa Văn Đại, Trưởng Ban Phong trào, Dân tộc, Tôn giáo, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Với phương châm chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh và các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động. Đặc biệt là chú trọng việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Trong 5 năm trở lại đây, nguồn quỹ  vì người nghèo của MTTQ các cấp vận động được gần 25,3 tỷ đồng. Nguồn quỹ đã trợ giúp người nghèo bằng nhiều hình thức như: sửa chữa, xây dựng nhà đại đoàn kết; hỗ trợ khám, chữa bệnh; hỗ trợ sản xuất, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững… Các hoạt động này được giám sát chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các đơn vị phối hợp tặng quà hộ nghèo ở xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc

Theo tổng hợp của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ năm 2015 đến nay, thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 766 nhà đại đoàn kết trị giá hơn 16 tỷ đồng cho hộ nghèo; hỗ trợ sửa chữa 149 nhà ở trị giá hơn 990 triệu đồng cho người nghèo. Cùng với đó, nguồn quỹ đã hỗ trợ vốn sản xuất cho 459 hộ nghèo; hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh cho hàng nghìn trường hợp; tặng hơn 5.000 suất quà trị giá hơn 2 tỷ đồng vào các dịp lễ, tết cho hộ nghèo…

Không chỉ tích cực vận động ủng hộ, sử dụng hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”, thời gian qua, MTTQ và các tổ chức thành viên còn tích cực mở các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong lao động sản xuất; đứng ra ủy thác cho hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ cho hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn của toàn tỉnh đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng so với năm 2016.

Ông Vương Văn Kiểm, thôn Bản Gioòng, xã Tân Tác, huyện Văn Lãng cho biết: Năm 2016, thông qua ủy thác của Hội Cựu chiến binh xã, tôi được vay vốn 30 triệu đồng. Số tiền này tôi đầu tư trồng thông và thực hiện mô hình nuôi trâu sinh sản về nuôi. Đến nay, các mô hình đều phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, riêng trâu đã sinh được 2 con nghé, tính cả đàn trị giá khoảng 80 triệu đồng. Từ năm 2019, gia đình tôi đã thoát nghèo.

Không chỉ chăm lo về vật chất, MTTQ và các đoàn thể còn tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên giúp người nghèo về mọi mặt trong cuộc sống. Tùy vào điều kiện cụ thể mà mỗi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng còn tham gia giúp đỡ người nghèo bằng những việc làm thiết thực như: giúp nhau về ngày công trong phát triển kinh tế, thăm hỏi khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn… Chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, Nhân dân đã đóng góp trên 20.000 ngày công giúp đỡ người nghèo xây dựng nhà ở, lao động sản xuất… Qua các hoạt động này góp phần phát huy truyền thống đoàn kết “Tương thân, tương ái” của dân tộc; thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của tỉnh. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 10,89%, giảm 15,06% so với năm 2015.

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tầng lớp Nhân dân ủng hộ mọi nguồn lực trợ giúp người nghèo. Cùng đó, tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng; giới thiệu biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác này, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, chung tay chăm lo cho người nghèo một cách thiết thực, hiệu quả.

HOÀNG HUẤN - Báo Lạng Sơn
STT Tên File upload

Các tin khác cùng mục

Lịch công tác


Hình ảnh