– Sáng 16/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh tổ chức hội thảo phản biện xã hội dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, thu chi tài chính công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ tỉnh chủ trì hội thảo

Dự thảo Quy định quản lý, thu chi tài chính công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh gồm 3 chương và 19 điều, với các nội dung chính như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận, việc quản lý thu chi công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; chế độ thông tin, báo cáo…

Đại biểu phát biểu ý kiến phản biện tại hội thảo

Hội thảo đã nhận được 10 ý kiến phản biện, trong đó có 9 ý kiến phát biểu trực tiếp và 1 ý kiến bằng văn bản. Các ý kiến đều khẳng định việc xây dựng dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý, thu chi tài chính công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, đóng góp, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Các đại biểu cũng tập trung góp ý vào bố cục, nội dung trình bày trong dự thảo, đề nghị cơ quan chủ trì tham mưu soạn thảo biên tập lại văn bản sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, đảm bảo tính ổn định, tránh phải sửa đổi sau này; góp ý vào tính pháp lý, cơ sở thực tiễn, việc đảm bảo tính hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân, tổ chức và những nội dung khác có liên quan.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng bên cạnh quy định quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội thì cũng cần xem xét bổ sung quy định quyền, trách nhiệm của người đóng góp công đức, tài trợ…

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh giải trình, tiếp thu các ý kiến tại hội thảo

Sau khi nghe các ý kiến phản biện, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã giải trình, làm rõ các nội dung liên quan, đồng thời tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện dự thảo, trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới.

Theo dự thảo, trên địa bàn có 335 di tích theo danh mục quản lý, trong đó 140 di tích được xếp hạng các cấp, 195 di tích chưa xếp hạng. Về phân theo loại hình, có 112 di tích lịch sử, 163 di tích kiến trúc nghệ thuật; 37 di tích khảo cổ và 23 di tích danh lam thắng cảnh. Bên cạnh hệ thống di tích, trên địa bàn có 280 lễ hội, trong đó có 247 lễ hội truyền thống, 33 lễ hội văn hóa ngành nghề. Việc xây dựng, ban hành Quy định quản lý, thu chi tài chính công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh sẽ tạo hành lang pháp lý, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất để thực hiện, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

 

HOÀNG HUẤN - Báo Lạng Sơn
STT Tên File upload

Các tin khác cùng mục

Lịch công tác


Hình ảnh